LỄ HỘI ĐỀN THỜ LÊ HOÀN: HƯỚNG VỀ NGUỒN CỘI
Khi đánh giá về vai trò và công lao của vua Lê Đại Hành trong lịch sử dân tộc, nhà nghiên cứu văn hóa - giáo sư Lê Tạo đã nhấn mạnh: "Lê Hoàn với một quyết tâm sắt đá vì sự nghiệp cứu nước, đã ổn định tình hình bên trong, đánh tan quân xâm lược bên ngoài, giữ yên bờ cõi, góp những viên gạch đầu tiên vào việc xây dựng nên kỷ nguyên Đại Việt huy hoàng".
Tế nữ quan - một trong những nghi thức tại Lễ hội Lê Hoàn.
Sử sách còn ghi lại, tháng 10 năm Kỷ Mão 979, vua Đinh Tiên Hoàng và con trai là Nam Việt vương Đinh Liễn bị Đỗ Thích giết hại. Bấy giờ, Vệ vương Đinh Toàn lên ngôi khi mới 6 tuổi, Lê Hoàn được triều đình đề cử làm nhiếp chính phò trợ ấu chúa. Thế nhưng, những nghi ngờ, hiềm khích cũng từ đây mà ra, khi Quốc công Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền và Vệ úy Phạm Hạp nghi ngờ Lê Hoàn lộng quyền, muốn cướp ngôi vua, bèn dấy binh muốn diệt. Trong lúc nội bộ lục đục, thì phía Nam quân Chiêm Thành lăm le xâm nhập bờ cõi; phía Bắc nhà Tống gấp rút chuẩn bị quân lương tràn sang xâm lược. Giữa bối cảnh ấy, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn được các tướng sĩ suy tôn lên ngôi thiên tử để vỗ về trăm họ, chỉnh đốn binh lương, diệt họa ngoại xâm. Đó âu cũng là việc thuận theo lẽ trời, hợp với muôn dân như lời Thái hậu Dương Vân Nga, khi bà khoác áo long bào, giao cơ nghiệp nhà Đinh vào tay Lê Hoàn. Điều này càng được khẳng định khi trên văn bia tại đền thờ Lê Hoàn (làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân ngày nay), do Lễ bộ Thượng thư Nguyễn Thực soạn, có đoạn nhấn mạnh: "Thường nghe các bậc đế vương thánh hiền nổi lên, ắt là do trời đất chung đúc nên phần ưu tú, núi sông tỏ rõ sự thiêng liêng, hòa khí tụ hội ứng kỳ mà sinh ra vậy"!
Thập đạo tướng quân Lê Hoàn gánh lấy trách nhiệm nặng nề giữa bối cảnh rối ren trăm bề: thù trong giặc ngoài đang đe dọa nghiêm trọng vận mệnh toàn dân tộc. Thế nhưng, chỉ trong thời gian ngắn sau khi lên ngôi, vua đã phá tan 3 đạo quân xâm lược nhà Tống và ngự giá thân chinh đi đánh quân Chiêm Thành. Luận về tài năng quân sự của vua, sử gia Lê Văn Hưu đã đánh giá: "Lê Đại Hành giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc, bắt Quân Biện, Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi yên tĩnh, cái công đánh lấy tuy nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được". Có thể nói, Lê Đại Hành hoàng đế là một nhân vật kiệt xuất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Vua không chỉ có tài dụng binh khiển tướng, mà còn có tài thu phục nhân tâm. Sự nghiệp vĩ đại của vua không chỉ trên phương diện quân sự là đuổi Tống, bình Chiêm, diệt trừ tạo phản; mà còn thể hiện trên phương diện xây dựng đất nước, đó là củng cố chính quyền, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội... Với những thành quả to lớn trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, vua Lê Đại Hành đã trở thành một trong những vị vua đầu tiên đặt nền móng cho nền quân chủ phong kiến tập quyền Việt Nam cuối thế kỷ X.
Năm Ất Tỵ 1005 Đại Hành hoàng đế băng hà. Tưởng nhớ công đức rộng lớn, ân trạch thịnh dày, người dân làng Trung Lập đã lập đền thờ vua. Theo một số tài liệu còn lưu lại, ban đầu đền chỉ là một ngôi miếu nhỏ. Đến đầu thời Lý, đền được dựng lại theo hình chữ công, gồm tiền đường 5 gian, trung đường 3 gian và hậu cung 5 gian. Đến khoảng thế kỷ XVII, đền được trùng tu để có được dáng dấp hoàn chỉnh, gồm nghinh môn, sân rồng, tả vu, hữu vu, tiền đường và hậu cung. Đền thờ Lê Hoàn với lối kiến trúc truyền thống và nghệ thuật trang trí đặc sắc, được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là một trong những di tích lịch sử, văn hóa - kiến trúc nghệ thuật cổ, đẹp và độc đáo bậc nhất xứ Thanh hiện nay. Đặc biệt, đền thờ còn lưu giữ nhiều hiện vật quý, nổi bật là 2 tấm bia đá có niên đại từ thế kỷ XVII, ghi lại thân thế, sự nghiệp nhà vua và ruộng thờ cúng; 14 đạo sắc phong của các triều đại nhà Lê và nhà Nguyễn; 6 đạo lệnh chỉ của các chúa Trịnh. Với các giá trị to lớn ấy, đền thờ Lê Hoàn đã được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt (năm 2018).
Với sự nghiệp vĩ đại của vua Lê Đại Hành đã được lịch sử khẳng định và giá trị to lớn của Di tích đền thờ Lê Hoàn đã được vinh danh trong kho tàng di sản dân tộc, do vậy, lễ hội Lê Hoàn (chính hội vào ngày mùng 8-3 âm lịch) càng mang nhiều ý nghĩa đặc biệt. Lễ hội được tiến hành trong không khí trang trọng, thành kính, với các nghi thức như dâng hương, khởi chỉnh cổ, đọc chúc văn, lễ tế cáo. Đồng thời, còn có các đội tế nam quan, nữ quan hết sức đặc sắc. Ngoài ra, đây còn là dịp để người dân địa phương tổ chức các trò chơi, trò diễn dân gian và trao đổi các loại sản vật với du khách thập phương... Có thể nói, lễ hội Lê Hoàn không chỉ là hoạt động kỷ niệm nhân ngày mất anh hùng dân tộc vua Lê Đại Hành, để hậu thế bày tỏ lòng thành kính, biết ơn tiền nhân; mà còn là dịp để con dân đất Việt hướng về nguồn cội hay nhìn lại quá khứ lịch sử để tri ân, tự hào và khơi dậy tinh thần trách nhiệm trong mỗi người để cùng chung tay góp sức bảo vệ và dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Nguồn;( Baothanhhoa.vn)
Tin cùng chuyên mục
-
LỄ HỘI ĐỀN THỜ LÊ HOÀN NĂM 2024 CÓ GÌ ĐẶC SẮC?
12/04/2024 14:32:19 -
SẴN SÀNG CHO LỄ HỘI ĐỀN THỜ LÊ HOÀN VÀ TUẦN LỄ VĂN HÓA - DU LỊCH - ẨM THỰC HUYỆN THỌ XUÂN NĂM 2024
12/04/2024 14:31:23 -
LỄ HỘI ĐỀN THỜ LÊ HOÀN - NHỮNG GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CÒN MÃI VỚI THỜI GIAN
03/04/2024 14:08:02 -
Lễ hội Lê Hoàn 2024 - Tiếng gọi cội nguồn
02/04/2024 09:14:23
LỄ HỘI ĐỀN THỜ LÊ HOÀN: HƯỚNG VỀ NGUỒN CỘI
Khi đánh giá về vai trò và công lao của vua Lê Đại Hành trong lịch sử dân tộc, nhà nghiên cứu văn hóa - giáo sư Lê Tạo đã nhấn mạnh: "Lê Hoàn với một quyết tâm sắt đá vì sự nghiệp cứu nước, đã ổn định tình hình bên trong, đánh tan quân xâm lược bên ngoài, giữ yên bờ cõi, góp những viên gạch đầu tiên vào việc xây dựng nên kỷ nguyên Đại Việt huy hoàng".
Tế nữ quan - một trong những nghi thức tại Lễ hội Lê Hoàn.
Sử sách còn ghi lại, tháng 10 năm Kỷ Mão 979, vua Đinh Tiên Hoàng và con trai là Nam Việt vương Đinh Liễn bị Đỗ Thích giết hại. Bấy giờ, Vệ vương Đinh Toàn lên ngôi khi mới 6 tuổi, Lê Hoàn được triều đình đề cử làm nhiếp chính phò trợ ấu chúa. Thế nhưng, những nghi ngờ, hiềm khích cũng từ đây mà ra, khi Quốc công Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền và Vệ úy Phạm Hạp nghi ngờ Lê Hoàn lộng quyền, muốn cướp ngôi vua, bèn dấy binh muốn diệt. Trong lúc nội bộ lục đục, thì phía Nam quân Chiêm Thành lăm le xâm nhập bờ cõi; phía Bắc nhà Tống gấp rút chuẩn bị quân lương tràn sang xâm lược. Giữa bối cảnh ấy, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn được các tướng sĩ suy tôn lên ngôi thiên tử để vỗ về trăm họ, chỉnh đốn binh lương, diệt họa ngoại xâm. Đó âu cũng là việc thuận theo lẽ trời, hợp với muôn dân như lời Thái hậu Dương Vân Nga, khi bà khoác áo long bào, giao cơ nghiệp nhà Đinh vào tay Lê Hoàn. Điều này càng được khẳng định khi trên văn bia tại đền thờ Lê Hoàn (làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân ngày nay), do Lễ bộ Thượng thư Nguyễn Thực soạn, có đoạn nhấn mạnh: "Thường nghe các bậc đế vương thánh hiền nổi lên, ắt là do trời đất chung đúc nên phần ưu tú, núi sông tỏ rõ sự thiêng liêng, hòa khí tụ hội ứng kỳ mà sinh ra vậy"!
Thập đạo tướng quân Lê Hoàn gánh lấy trách nhiệm nặng nề giữa bối cảnh rối ren trăm bề: thù trong giặc ngoài đang đe dọa nghiêm trọng vận mệnh toàn dân tộc. Thế nhưng, chỉ trong thời gian ngắn sau khi lên ngôi, vua đã phá tan 3 đạo quân xâm lược nhà Tống và ngự giá thân chinh đi đánh quân Chiêm Thành. Luận về tài năng quân sự của vua, sử gia Lê Văn Hưu đã đánh giá: "Lê Đại Hành giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc, bắt Quân Biện, Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi yên tĩnh, cái công đánh lấy tuy nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được". Có thể nói, Lê Đại Hành hoàng đế là một nhân vật kiệt xuất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Vua không chỉ có tài dụng binh khiển tướng, mà còn có tài thu phục nhân tâm. Sự nghiệp vĩ đại của vua không chỉ trên phương diện quân sự là đuổi Tống, bình Chiêm, diệt trừ tạo phản; mà còn thể hiện trên phương diện xây dựng đất nước, đó là củng cố chính quyền, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội... Với những thành quả to lớn trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, vua Lê Đại Hành đã trở thành một trong những vị vua đầu tiên đặt nền móng cho nền quân chủ phong kiến tập quyền Việt Nam cuối thế kỷ X.
Năm Ất Tỵ 1005 Đại Hành hoàng đế băng hà. Tưởng nhớ công đức rộng lớn, ân trạch thịnh dày, người dân làng Trung Lập đã lập đền thờ vua. Theo một số tài liệu còn lưu lại, ban đầu đền chỉ là một ngôi miếu nhỏ. Đến đầu thời Lý, đền được dựng lại theo hình chữ công, gồm tiền đường 5 gian, trung đường 3 gian và hậu cung 5 gian. Đến khoảng thế kỷ XVII, đền được trùng tu để có được dáng dấp hoàn chỉnh, gồm nghinh môn, sân rồng, tả vu, hữu vu, tiền đường và hậu cung. Đền thờ Lê Hoàn với lối kiến trúc truyền thống và nghệ thuật trang trí đặc sắc, được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là một trong những di tích lịch sử, văn hóa - kiến trúc nghệ thuật cổ, đẹp và độc đáo bậc nhất xứ Thanh hiện nay. Đặc biệt, đền thờ còn lưu giữ nhiều hiện vật quý, nổi bật là 2 tấm bia đá có niên đại từ thế kỷ XVII, ghi lại thân thế, sự nghiệp nhà vua và ruộng thờ cúng; 14 đạo sắc phong của các triều đại nhà Lê và nhà Nguyễn; 6 đạo lệnh chỉ của các chúa Trịnh. Với các giá trị to lớn ấy, đền thờ Lê Hoàn đã được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt (năm 2018).
Với sự nghiệp vĩ đại của vua Lê Đại Hành đã được lịch sử khẳng định và giá trị to lớn của Di tích đền thờ Lê Hoàn đã được vinh danh trong kho tàng di sản dân tộc, do vậy, lễ hội Lê Hoàn (chính hội vào ngày mùng 8-3 âm lịch) càng mang nhiều ý nghĩa đặc biệt. Lễ hội được tiến hành trong không khí trang trọng, thành kính, với các nghi thức như dâng hương, khởi chỉnh cổ, đọc chúc văn, lễ tế cáo. Đồng thời, còn có các đội tế nam quan, nữ quan hết sức đặc sắc. Ngoài ra, đây còn là dịp để người dân địa phương tổ chức các trò chơi, trò diễn dân gian và trao đổi các loại sản vật với du khách thập phương... Có thể nói, lễ hội Lê Hoàn không chỉ là hoạt động kỷ niệm nhân ngày mất anh hùng dân tộc vua Lê Đại Hành, để hậu thế bày tỏ lòng thành kính, biết ơn tiền nhân; mà còn là dịp để con dân đất Việt hướng về nguồn cội hay nhìn lại quá khứ lịch sử để tri ân, tự hào và khơi dậy tinh thần trách nhiệm trong mỗi người để cùng chung tay góp sức bảo vệ và dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Nguồn;( Baothanhhoa.vn)
Công khai giải quyết TTHC
SĐT: 0987115468
Email:vpxuanhong @gmail.com